BỆNH VẢY NẾN

Những câu hỏi thường gặp về bệnh vảy nến

NHỮNG CÂU HỎI THƯỜNG GẶP VỀ BỆNH VẨY NẾN

Vẩy nến là gì? 
Vẩy nến là một bệnh lý liên quan tới gen, miễn dịch qua trung gian tế bào biểu hiện ngoài da hoặc khớp; hoặc da và khớp. Loại vẩy nến mảng là dạng thường gặp nhất, những mảng da được gọi là sang thương da bị viêm và có vẩy màu trắng bạc. Vẩy nến có thể nhẹ từ vài thương tổn hoặc trung bình cho tới có nhiều vùng lớn ngoài da bị bệnh. Độ nặng của bệnh cũng rất khác nhau ở mỗi người; tuy nhiên, phần lớn chúng ta mắc bệnh vẩy nến mức độ nhẹ.

Bệnh vẩy nến có lây không?
Không, bệnh vẩy nến không lây. Các thương tổn da của bệnh vẩy nến nhìn có vẻ ghê sợ nhưng không phải là bị nhiễm trùng hay là vết thương hở. Vẩy nến không gây ảnh hưởng gì tới sức khỏe cộng đồng và cũng không gây nguy hiểm cho người khác.

Tại sao lại mắc bệnh vẩy nến?
Không ai biết chính xác cái gì đã gây ra bệnh vẩy nến, nhưng người ta tin rằng có liên quan tới yếu tố gen. Các nhà nghiên cứu đã công nhận rằng hệ thống miễn dịch của cơ thể bằng cách nào đó đã kích hoạt tốc độ phát triển của tế bào một cách bất thường. Một tế bào da bình thường trưởng thành và rời khỏi bề mặt da cần 28 – 30 ngày. Nhưng tế bào da của người bệnh vẩy nến chỉ cần 3 tới 4 ngày là trưởng thành và di chuyển lên bề mặt da, thay vì rơi ra, chúng lại dính với nhau và tạo nên thương tổn vẩy nến.

Hướng tới Ngày Vảy nến thế giới (29/10), chiều 18/10, tại Hà Nội, Bệnh viện Da liễu Trung ương đã tổ chức buổi họp chia sẻ thông tin chuyên môn về căn bệnh này và những câu chuyện xung quanh. Giới thiệu kỹ thuật mới và an toàn sử dụng đèn chiếu UVB 311nm điều trị bệnh vảy nến TẠI ĐÂY

Làm sao chẩn đoán được bệnh vẩy nến?
Không có  xét nghiệm máu đặc biệt hoặc công cụ chẩn đoán nào giúp chẩn đoán bệnh vẩy nến. Bác sĩ chỉ cần nhìn vùng da có thương tổn là có thể chẩn đoán được bệnh. Có thể phải cần lấy một mẫu da (sinh thiết da) để chẩn đoán bệnh nhưng thường ít làm.

Vẩy nến có thể xảy ra ở toàn bộ cơ thể không?
Vẩy nến thường xuất hiện ở da đầu, đầu gối, cùi chỏ và thân mình. Nhưng vẩy nến có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào của cơ thể như móng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, vùng sinh dục và mặt (hiếm). Thương tổn thường phân bố đối xứng, nghĩa là ở cùng một vị trí bên trái và bên phải của cơ thể.

Có phải bất kỳ tuổi nào cũng có thể bị vẩy nến? 
Tuổi thường bị vẩy nến là 15-35 tuổi, nhưng bất kỳ tuổi nào cũng có thể bị bệnh vẩy nến. Có khoảng 10 – 15% bệnh nhân vẩy nến mắc bệnh trước 10 tuổi. Trẻ sơ sinh cũng có thể bị vẩy nến nhưng hiếm.

Vẩy nến xảy ra ưu thế ở nam giới hay nữ giới hay là ở một nhóm dân tộc nào khác?
Vẩy nến  xảy ra gần như bằng nhau ở nam giới và nữ giới không phân biệt thuộc thành phần kinh tế xã hội nào. Vẩy nến cũng xuất hiện ở tất cả các dân tộc  nhưng với tỉ lệ rất khác nhau.

Vẩy nến gây ra những biến chứng gì cho sức khoẻ?
Da, cơ quan rộng lớn nhất của cơ thể, giữ một vai trò quan trọng. Da kiểm soát nhiệt độ cho cơ thể và là hàng rào bảo vệ cơ thể chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn. Nhiều diện tích da bị vẩy nến có thể dẫn đến bị nhiễm trùng, mất nước và suy giảm tuần hoàn.

Vẩy nến có đi kèm với các bệnh khác?
Vẩy nến khớp là một dạng đặc biệt của viêm khớp xảy ra khoảng 23% bệnh nhân vẩy nến, theo tổ chức nghiên cứu chuẩn về vẩy nến 2001. Vẩy nến khớp cũng tương tự như viêm đa khớp dạng thấp nhưng thường nhẹ hơn. Ở vẩy nến khớp, các khớp và mô mềm xung quanh khớp bị viêm đỏ và cứng. Vẩy nến khớp có thể bị ở ngón tay, ngón chân, và có thể xảy ra ở cổ, lưng, ngón chân và mắt cá. Trong những trường hợp bệnh nặng, vẩy nến khớp có thể gây biến dạng và phá hủy khớp không hồi phục. 

Nếu tôi bị vẩy nến, vậy là tôi sẽ bị vẩy nến khớp phải không?
Khoảng 10 -30% bệnh nhân bị vẩy nến sẽ bị vẩy nến khớp, nhưng thường không được chẩn đoán ra, đặc biệt là những dạng nhẹ. Vẩy nến khớp có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, nhưng đa số xuất hiện ở tuổi từ 30-50. Khi mắc bệnh vẩy nến thì không chắc chắn rằng rồi bạn sẽ diễn tiến thành vẩy nến khớp.

Làm thế nào để biết bệnh mức độ nặng?
Vẩy nến có thể nhẹ, trung bình, nặng. Từ 3-10% diện tích cơ thể bị bệnh thì được phân loại là vẩy nến mức độ trung bình. > 10% là vẩy nến mức độ nặng. Lòng bàn tay tương đương 1%. Tuy nhiên, mức độ nặng của vẩy nến còn được đánh giá thông qua chất lượng cuộc sống của người bệnh. Vẩy nến có thể gây ra những tác động nghiêm trọng dù là chỉ có ở một khu vực nhỏ như lòng bàn tay hay lòng bàn chân.

Các yếu tố nào làm cho bệnh nặng hơn?
Các yếu tố thúcđẩy bệnh nặng hơn gồm có: những  sang chấn tình cảm, chấn thương da, một số bệnh nhiễm trùng, phản ứng dị ứng với một số thuốc. Stress có thể làm bộc phát bệnh vẩy nến lần đầu tiên hoặc làm bệnh trở nặng hơn. Vẩy nến có thể xảy ra ở vị trí da bị chấn thương. Người ta gọi đó là hiện tượng Koebner. Chích ngừa, phơi nắng, cào gãi cũng có thể gây hiện tượng Koebner. Một số thuốc như là: thuốc chống sốt rét, lithium, một vài thuốc ức chế beta cũng là tác nhân làm bùng phát bệnh. Các yếu tố khác như: khí hậu, chế độ ăn, dị ứng. Các yếu tố thúc đẩy bệnh rất khác nhau ở mỗi người. Yếu tố làm bùng phát bệnh nặng hơn ở người này chưa hẳn cũng là yếu tố làm khởi phát bệnh ở người khác. 

Tại sao bệnh vẩy nến của tôi ngứa, và làm sao để tôi hết ngứa?
Ngứa đi kèm với vẩy nếnxảy ra khi một số hoá chất kích thích những sợi thần kinh ngay dưới lớp ngoài của da. Tín hiệu ngứa này được dẫn truyền lên não theo cùng đường với sự dẫn truyền cảm giác đau. Những tín hiệu ngứa này gây ra sự thôi thúc phải cào gãi.
Một trong những phương pháp đơn giản để giảm ngứa ở người bệnh vẩy nến là giữ ẩm da. Da khô có thể gây ra và làm ngứa nhiều hơn. Nhiều người cũng áp dụng các phương pháp đơn giản, ít tốn kém như là đắp một khăn ướt lên vùng da bị ngứa hoặc là tắm nước lạnh hay đắp khăn lạnh cũng có tác dụng làm giảm ngứa. Các phương pháp điều trị ngứa khác gồm có: kháng histamine, steroids, capsaicin, thuốc tê thoa tại chỗ, thuốc điều hoà miễn dịch, thuốc chống trầm cảm và aspirin.

Giới thiệu kỹ thuật mới và an toàn sử dụng đèn chiếu UVB 311nm điều trị bệnh vảy nến TẠI ĐÂY

Bệnh vẩy nến có cần phải kiêng cữ trong ăn uống?
Không. Tuy nhiên một chế độ ăn khoẻ mạnh vẫn tốt hơn. Đặc biệt chế độ ăn kết hợp với tập thể dục thường xuyên.

Vẩy nến gây tác động gì tới kinh tế?
Vẩy nến là một bệnh mạn tính kéo dài. Hầu hết bệnh nhân khi mắc bệnh cần phải điều trị và đi khám bác sĩ. Trường hợp bệnh nặng, bệnh nhân có thể phải nhập viện. 

Bệnh vẩy nến sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hay đời sống của tôi phải không?
Trong đa số trường hợp, người bệnh vẩy nến vẫn sống và sinh hoạt bình thường. Bệnh vẩy nến thường làm cho người xung quanh sợ nên ảnh hưởng tới việc quan hệ, giao tiếp gặp khó khăn. Chính điều này làm cho người bệnh lo lắng, buồn bực, e ngại, trầm cảm.

Bệnh vẩy nến có thể điều trị khỏi hẳn không? 
Không. Khuynh hướng xuất hiện bệnh là thông qua gene. Chúng ta hy vọng trong tương lai sẽ có thể thay đổi các gene gây bệnh này, nhưng kỹ thuật chưa phát triển. Chúng ta hy vọng một ngày nào đó sẽ có các phương pháp điều trị bệnh hiệu quả hơn, chuyên biệt hơn cho nhiều dạng bệnh vẩy nến. Mặc dù bệnh vẩy nến không thể điều trị khỏi nhưng bệnh cũng có thể khỏi trong một khoảng thời gian vài tháng thậm chí vài năm. Đôi khi, bệnh không tái phát trở lại. Tuy nhiên đa số bệnh nhân mang bệnh mạn tính kéo dài với từng đợt bùng phát và hết bệnh xen kẽ nhau.

Có cách nào điều trị bệnh vẩy nến? 
Bệnh vẩy nến không điều trị khỏi, nhưng có nhiều phương pháp để điều trị bệnh bao gồm thuốc bôi và thuốc uống có thể làm sạch thương tổn da trong một khoảng thời gian.

Vậy phương pháp nào là điều trị tốt nhất cho tôi?
Diễn tiến của bệnh vẩy nến khó mà đoán trước đượcgây ra sự khó khăn trong điều trị ở nhiều bệnh nhân. Có nhiều phương pháp điều trị được áp dụng. Khó mà suy đoán phương pháp nào sẽ chuyên biệt cho từng người. Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta phải có đời sống tinh thần thoải mái và phải đi khám chuyên khoa da để tìm ra phương pháp điều trị thích hợp với tình trạng bệnh của mình.

Để được tư vấn hỗ trợ và điều trị bệnh vảy nến xin liên hệ:

Dược sĩ Thủy: 0869065492 (zalo)

Dược sĩ Hải: 0869065421 (zalo)

Rate this post

Trả lời