CÁC BỆNH VỀ DA KHÁC

2 phương pháp điều trị sùi mào gà và những sai lầm thường gặp

2 phương pháp điều trị sùi mào gà và những sai lầm thường gặp

1. Bệnh Sùi mào gà là gì?

Sùi mào gà (Genital warts) là một trong những bệnh lây truyền qua đường tình dục hay gặp ở nước ta cũng như nhiều nước trên thế giới. Bệnh do virus HPV (Human Papillomavirus – hay còn gọi là virus gây u nhú ở người) gây nên. Bệnh lây chủ yếu do quan hệ tình dục không an toàn. Tuy nhiên, virus này cũng có thể lây qua một số đường tiếp xúc gián tiếp không qua quan hệ tình dục.

điều trị bệnh sùi mào gà cho nam và nữ hiệu quả
điều trị bệnh sùi mào gà cho nam và nữ hiệu quả

 2. Nguyên nhân gây bệnh sùi mào gà

Căn nguyên của bệnh sùi mào gà là virus HPV. Đây là loại virus có ADN và chỉ khu trú ở da và niêm mạc. Cho tới nay người ta đã xác định được khoảng 200 type virus HPV khác nhau, trong đó có khoảng 40 type gây bệnh ở bộ phận sinh dục. Các type virus khác nhau sẽ gây bệnh ở các vùng da, niêm mạc khác nhau, cụ thể:

– HPV type 1,4,5,8,41,60,63…gây bệnh hạt cơm ở da, gan bàn tay, bàn chân.

– HPV type 6,11,13,16,18,55,66…gây bệnh ở niêm mạc. Đặc biệt type 6, 11 gây bệnh ở bộ phận sinh dục, đây là những type ít có nguy cơ gây ung thư.

Tuy nhiên, type 16,18, 31, 33 có nguy cơ cao gây ung thư.

– HPV type 5,8 gây bệnh loạn sản thượng bì dạng hạt cơm.

3. Chẩn đoán bệnh sùi mào gà

– Dựa vào lâm sàng: các tổn thương dạng u nhú, màu hồng hoặc nâu nhạt, nổi trên bề mặt da, có tăng sinh mạch máu ở trung tâm, đôi khi tập trung thành đám lớn.

– Các xét nghiệm: Sinh thiết thương tổn để xem hình ảnh mô bệnh học, xác định ADN của HPV, định type để xác định các type HPV có nguy cơ thấp hay nguy cơ cao gây ung thư.

4. Điều trị sùi mào gà như thế nào

Có nhiều cách để điều trị bệnh sùi mào gà, có thể chia thành 2 nhóm chính: một số liên quan đến việc sử dụng thuốc và một số liên quan đến thủ thuật.

Ngay cả khi điều trị, sùi mào gà có thể quay trở lại (tái phát) trong vòng vài tuần hoặc vài tháng. Điều này là do một số tế bào ở da và niêm mạc bộ phận sinh dục trông bình thường có thể vẫn bị nhiễm vi-rút HPV (nhiễm virus mà chưa biểu hiện bệnh, chúng tôi thường ví dụ như “giao hạt mà chưa nảy mầm”). Hiện tại không có phương pháp điều trị nào có thể loại bỏ vĩnh viễn vi-rút HPV trong tất cả các tế bào bị nhiễm bệnh, nhưng hầu hết bệnh nhân sẽ loại bỏ vi-rút và sùi mào gà bằng hệ thống miễn dịch của chính họ trong vòng hai năm.

Phương pháp điều trị sùi mào gà “tốt nhất” tùy thuộc vào số lượng nốt sùi, vị trí của chúng, một số tình trạng sức khỏe (chẳng hạn như mang thai và các bệnh ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch) và  mong muốn của bệnh nhân (dựa trên khả năng chi trả, sự thuận tiện, khả năng chịu đau,…).

Điều trị bằng phẫu thuật

— Phương pháp điều trị bằng phẫu thuật bao gồm các phương pháp điều trị loại bỏ mụn cóc (gọi là cắt bỏ) và các phương pháp điều trị phá hủy (đông lạnh, đốt cháy) nốt sùi.. Phương pháp điều trị phẫu thuật có thể được khuyến nghị cho:

  • Mụn cóc diện tích lớn, số lượng nhiều.
  • Mụn cóc ở âm đạo, niệu đạo hoặc hậu môn.
  • Khu vực có thay đổi tiền ung thư ngoài mụn cóc.
  • Không đáp ứng với các phương pháp dùng thuốc.

Laser — Laser tạo ra năng lượng nhiệt, giúp phá hủy và bốc bay tổn thương sùi. Các bác sĩ thực hiện điều trị bằng laser cần được đào tạo cụ thể và trang thiết bị chuyên dụng. Điều trị bằng laser được thực hiện trong phòng phẫu thuật bằng cách gây tê tại chỗ (hoặc gây mê) để tránh đau. Liệu pháp laser có thể được khuyến nghị nếu bạn có nhiều mụn cóc lan rộng trên một diện tích lớn. Ưu điểm của laser là ít chảy máu, chính xác, ít xâm lấn mô xung quanh hơn đốt điện và plasma. Tác dụng phụ của laser bao gồm sẹo, đau và những thay đổi sắc tố trên da.

Liệu pháp áp lạnh — Liệu pháp áp lạnh sử dụng nhiệt độ cực lạnh (thường dùng ni tơ lỏng) để đóng băng tổn thương sùi. Phương pháp áp lạnh thường gây đau trong quá trình thực hiện; các tác dụng phụ khác có thể bao gồm kích ứng da, sưng tấy, phồng rộp và loét. Liệu pháp áp lạnh có thể được sử dụng trong thời kỳ mang thai.

Đốt điện — Đốt điện sử dụng năng lượng điện để đốt cháy tổn thương sùi. Điều trị thường được thực hiện trong phòng phẫu thuật bằng cách gây tê tại chỗ để giảm đau. Đốt điện có tỷ lệ để lại sẹo cao.

Phẫu thuật cắt bỏ – sử dụng phẫu thuật để loại bỏ tổn thương sùi. Hầu hết trường hợp được điều trị trong phòng phẫu thuật bằng cách gây mê để tránh đau. Tỷ lệ tái phát của phẫu thuật tương đối cao.

Điều trị bằng thuốc

Phương pháp điều trị bằng thuốc bao gồm các loại kem hoặc dung dịch được bôi lên tổn thương sùi mào gà (một số bắt buộc phải được thực hiện bởi nhân viên y tế). Tất cả các phương pháp điều trị này phải được sử dụng một hoặc nhiều lần mỗi tuần trong vài tuần, cho đến khi (các) sùi mào gà biến mất.

Imiquimod — Imiquimod là một loại kem kích hoạt hệ thống miễn dịch để loại bỏ sùi mào gà. Bạn có thể thoa kem trực tiếp lên sùi mào gà (thường là trước khi đi ngủ), sau đó rửa sạch vùng da đó bằng nước từ 6 đến 10 giờ sau đó. Sử dụng kem ba ngày mỗi tuần trong tối đa 16 tuần hoặc hàng ngày trong tối đa tám tuần. Kích ứng nhẹ và mẩn đỏ là điều bình thường khi sử dụng imiquimod và có nghĩa là việc điều trị đang có hiệu quả. Imiquimod không được khuyến cáo trong thời kỳ mang thai.

Podophyllin — Podophyllin là một phương pháp điều trị phá hủy mô sùi mào gà. Bác sĩ hoặc y tá bôi dung dịch trực tiếp lên (các) sùi mào gà bằng tăm bông và rửa sạch vùng đó từ một đến bốn giờ sau đó. Việc điều trị được lặp lại hàng tuần trong 4 đến 6 tuần hoặc cho đến khi các tổn thương khỏi hẳn. Các tác dụng phụ bao gồm từ kích ứng da nhẹ đến đau và loét da. Podophyllin không được sử dụng cho bệnh nhân mang thai.

Podofilox — Podofilox tương tự như podophyllin, nhưng bạn có thể bôi podofilox (Condylox) tại nhà. Sử dụng tăm bông, bạn bôi gel hoặc dung dịch lỏng lên (các) sùi mào gà hai lần mỗi ngày trong ba ngày liên tiếp. Sau đó, bạn không sử dụng phương pháp điều trị nào trong bốn ngày tiếp theo. Bạn có thể lặp lại chu kỳ này tối đa bốn lần cho đến khi sùi mào gà biến mất. Podofilox không được sử dụng cho bệnh nhân mang thai. Tác dụng phụ của podofilox tương tự như tác dụng phụ của podophyllin.

Axit bichloracetic và axit trichloroacetic — Cả axit bichloracetic (BCA) và axit trichloroacetic (TCA) đều là những axit phá hủy mô sùi mào gà. TCA được sử dụng phổ biến nhất và phải được bác sĩ hoặc y tá thực hiện. Nhân viên y tế bôi axit lên sùi mào gà mỗi tuần một lần trong vòng 4 đến 6 tuần hoặc cho đến khi sùi mào gà biến mất. Tác dụng phụ của TCA bao gồm đau và rát. TCA có thể sử dụng trong thời kỳ mang thai.

Sinecatechin — Sinecatechin là một sản phẩm chiết xuất từ thực vật, cơ chế hoạt động chính xác của catechin vẫn chưa được biết, nhưng chúng có cả hoạt tính chống oxy hóa và tăng cường miễn dịch. Hiện tại thuốc chưa sẵn có tại thị trường Việt Nam.

Ngoài ra, có một số phương pháp điều trị khác đang được nghiên cứu như tiêm vaccine MMR (sởi-quai bị-rubella) tại tổn thương, ALA-PDT,…

5. Những sai lầm thường gặp khi điều trị sùi mào gà

Không theo dõi điều trị

– Bệnh sùi mào gà có thể tái phát trong vòng vài tuần đến vài tháng sau điều trị. Bệnh nhân cần tái khám định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ để phát hiện và điều trị sớm các tổn thương tái phát (nếu có).

Chế độ sinh hoạt không phù hợp

– Việc đào thải virus HPV phụ thuộc chủ yếu vào hệ miễn dịch của cơ thể. Chế độ sinh hoạt không tốt có thể làm suy yếu hệ miễn dịch, do đó bệnh dễ tái phát hơn. Những khuyến cáo quan trọng là: ngủ sớm và đủ giấc, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, tránh căng thẳng, stress và tránh sử dụng rượu bia, chất kích thích

Nghĩ rằng sử dụng bao cao su có thể phòng lây nhiễm bệnh

– Thực tế, bao cao su không thể dự phòng hoàn toàn việc lây nhiễm virus HPV, do nó chỉ bao bọc được phần quy đầu và thân dương vật. Do đó, khi đang điều trị sùi mào gà, bệnh nhân được khuyến cáo tránh quan hệ tình dục dể hạn chế lây nhiễm chéo

Không khám và điều trị cho bạn tình ­

– Có thể dẫn đến tình trạng lây nhiễm chéo và không khỏi bệnh.

Điều trị tại các cơ sở không đảm bảo chuyên môn

– Một số cơ sở không được đào tạo chuyên môn về chẩn đoán và điều trị bệnh sùi mào gà, có thể dẫn đến chẩn đoán không chính xác và điều trị không phù hợp. Thậm chí đã xuất hiện tình trạng lợi dụng tâm lý lo lắng của bệnh nhân để trục lợi.

Tóm tắt lại, bệnh sùi mào gà là một bệnh lây truyền qua đường tình dục khá thường gặp và ngày càng trở nên phổ biến. Nếu bạn có triệu chứng nghi ngờ bệnh, hãy tới những cơ sở khám chữa bệnh uy tín (các bệnh viện chuyên khoa da liễu) để được thăm khám và điều trị một cách an toàn và hiệu quả nhất.

Viết bài: THS.BSNT Nguyễn Mậu Tráng – Khoa Laser và săn sóc da

Đăng bài: Phòng Công tác xã hội

Nguồn: https://dalieu.vn/cac-phuong-phap-dieu-tri-sui-mao-ga-va-nhung-sai-lam-thuong-gap-d3983.html

Rate this post

Để lại một bình luận